Kinh tếNông thôn mới

Còn nhiều khó khăn ở xã nông thôn mới Búng Lao

06:12 - Thứ Bảy, 17/06/2023 Lượt xem: 3610 In bài viết

ĐBP - Từ trung tâm thị trấn Mường Ảng, sau hơn 30 phút chạy xe máy dọc quốc lộ 279 theo hướng Mường Ảng - Tuần Giáo, chúng tôi có mặt tại trụ sở xã Búng Lao. Cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu đỏ rực tuyến đường dẫn vào xã. Búng Lao là một trong 2 xã đầu tiên của huyện Mường Ảng về đích nông thôn mới (NTM). Song đến nay đời sống của nhiều hộ dân vẫn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 chiếm 17,31%.

Một góc bản Hồng Sọt, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng).

Đạt nông thôn mới...

Xã Búng Lao có vị trí địa lý thuận lợi khi nằm bên quốc lộ 279, là trung tâm trao đổi mua bán hàng hóa của người dân từ huyện Điện Biên Đông, Tuần Giáo và xã Mường Bám, huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La). Búng Lao thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM từ năm 2011, với xuất phát điểm có 5/19 tiêu chí cơ bản đạt theo bộ tiêu chí quốc gia. Sau 10 năm nỗ lực triển khai với tổng kinh phí trên 101 tỷ đồng, năm 2021 Búng Lao được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Diện mạo nông thôn của xã có nhiều thay đổi, hạ tầng kinh tế - xã hội chuyển biến mạnh; cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện. Hiện nay, tỷ lệ đường thôn bản và đường liên thôn bản được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 100%; tỷ lệ đường ngõ xóm sạch, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm đạt trên 84%; tỷ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 99,18%; thu nhập bình quân đầu người đạt 36,34 triệu đồng/năm.

Anh Lò Văn Chựa, người dân bản Búng, xã Búng Lao - một trong những hộ dân mới vươn lên thoát nghèo chia sẻ: Từ chương trình NTM, người dân chúng tôi có đường bê tông đến tận ngõ, được sử dụng điện lưới, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, con em được học tập, vui chơi trong điều kiện cơ sở vật chất khang trang. Đường sá thuận tiện giúp nông sản làm ra được tiểu thương vào tận nơi thu mua, không bị ép giá. Người dân được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Như tôi nhờ áp dụng kiến thức đã học qua các lớp tập huấn vào thực tế chăn nuôi của gia đình mà đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Hiện nay ngoài gần 1ha bưởi, xoài, nhãn tôi nuôi 2 con lợn nái, 20 con lợn thương phẩm, 4 con trâu, hơn 500 con gà, vịt, tạo nguồn thu trên 150 triệu đồng/năm.

Ông Lò Văn Tiến, Trưởng bản Búng, xã Búng Lao cho biết: Người dân được hưởng lợi nhiều từ chương trình NTM, đặc biệt là về cơ sở vật chất, điện, đường, trường, trạm khang trang. Hiện nay 100% đường thôn bản được bê tông hóa; 176/176 hộ dân trong bản được sử dụng điện lưới, nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, trong bản vẫn còn 18 hộ nghèo, đa phần rơi vào các hộ không có đất, thiếu tư liệu sản xuất, không có việc làm ổn định.

... nhưng vẫn còn nhiều cái cũ

Để phấn đấu đưa Búng Lao về đích NTM vào năm 2020, chính quyền xã, huyện đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng. Tuy nhiên sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2021, Búng Lao không còn là xã đặc biệt khó khăn, do đó nhiều chế độ chính sách đã bị cắt giảm. Cụ thể như phụ cấp khu vực đặc biệt khó khăn giảm từ 0,7% xuống còn 0,5%; phụ cấp lâu năm cho cán bộ, công chức, viên chức giảm... làm cho thu nhập của cán bộ công chức và giáo viên trên địa bàn giảm trung bình từ 1 - 2,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra tại các bản vùng thấp (không còn là bản đặc biệt khó khăn) trừ các hộ nghèo, cận nghèo thì người dân không còn được hỗ trợ thẻ bảo hiểm xã hội miễn phí, làm tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn xã giảm từ 98% xuống 80%; học sinh bị cắt giảm tiền hỗ trợ học tập 596.000 đồng/tháng, 15kg gạo/tháng (trong vòng 9 tháng)...

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lò Văn Nghĩa, bản Nà Dên, một trong những hộ nghèo của bản. Căn nhà tạm, lợp fipro xi măng đã bạc màu theo thời gian; xung quanh là bức tường đất lỗ chỗ vết thủng như tổ ong; không bàn, không ghế, có lẽ vật dụng đáng giá nhất trong nhà là chiếc giường ngủ.

Gia đình anh Lò Văn Nghĩa, bản Nà Dên, xã Búng Lao vẫn sống trong căn nhà tạm, cũ nát.

Anh Nghĩa cho biết: Vợ bỏ nhà đi biệt tích gần chục năm nay, một mình tôi nuôi con, năm nay cháu cũng đã học hết lớp 6. Tôi không biết còn có đủ điều kiện để nuôi con ăn học tiếp không nữa, vì gia đình không có ruộng, nương, mảnh đất dựng nhà này cũng do bố mẹ cắt cho. Bản thân tôi không có việc làm ổn định, đi làm phụ hồ cho các tổ thợ xây trong bản, trung bình được 250.000 - 300.000 đồng/ngày, công việc không ổn định, hôm nào không có người thuê là không có tiền.

Được biết Nà Dên là một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Búng Lao. Bản có 97 hộ thì có 18 hộ nghèo, 23 hộ cận nghèo, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều hộ không có tư liệu sản xuất, một số người phải đi làm thuê tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang... Trong bản vẫn còn 9 ngôi nhà tạm, 3 nhà dột nát.

Ông Lò Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Búng Lao cho biết: Việc xây dựng xã đạt chuẩn NTM đã khó, nhưng duy trì đạt chuẩn lại càng khó. Điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, ngân sách phụ thuộc Nhà nước nên việc duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM mới gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, năm 2021 khi xã được công nhận đạt chuẩn NTM là 36 triệu đồng/người/năm; đến năm 2022 xã chỉ đạt 36,34 triệu đồng/người trong khi theo tiêu chí chung của tỉnh năm 2022 phải đạt 39 triệu đồng/người/năm và năm 2023 là 42 triệu đồng/người/năm. Có nhiều nguyên nhân xã không đạt tiêu chí về thu nhập, như: Đa phần người dân sản xuất nông nghiệp, nhiều người không có việc làm, thu nhập ổn định; nhiều chế độ chính sách ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn bị cắt giảm, trong khi người dân vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các chế độ chính sách của Nhà nước. Dẫn đến nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo, đặc biệt là tại các bản vùng cao.

Xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và là Chương trình có tính tiếp nối lâu dài “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Vì vậy chính quyền địa phương cần đánh giá thực chất, khách quan quá trình triển khai thực hiện tại địa phương mình, tránh tình trạng vì thành tích mà công nhận khi một số tiêu chí còn non, còn yếu. Để đến khi đạt chuẩn rồi hoàn thiện sau, lại trở thành gánh nặng, kéo tụt các tiêu chí còn lại vì khi đó nhiều chế độ đặc thù cho vùng đặc biệt khó khăn sẽ bị cắt giảm. Bên cạnh đó người dân cần nâng cao tính chủ động, tránh tình trạng thụ động chỉ trông chờ vào các chế độ chính sách vùng đặc biệt khó khăn của Nhà nước.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top